Còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Anh

Theo ông Christopher Jeffery – Chủ tịch Phòng Thương mại Anh Quốc tại Việt Nam, có thể nhìn nhận dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt mức tăng trưởng cao. Đây là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam và Vương quốc Anh.

Xuất khẩu sang thị trường Anh năm 2023: Cơ hội và thách thức đan xen
Xuất khẩu sang thị trường Anh năm 2023: Cơ hội và thách thức đan xen. Ảnh: TL
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và được hưởng cam kết ưu đãi thuế quan trong UKVFTA như dệt may, da giày, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy móc thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao. Hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công thương cũng có đánh giá, dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều Việt – Anh vẫn đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập khẩu từ Anh 849 triệu USD, tăng 23,6%, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD. Tính đến tháng 11/2022, xuất khẩu sang Anh tăng 9,5% so với cùng kỳ, đạt 5,2 tỷ USD, xuất siêu tiếp tục ghi nhận gần 4,6 tỷ USD.

Đồng thuận với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI cho rằng, kết quả tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Anh thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp đã biết tới UKVFTA, tận dụng lợi thế của “người đi trước” khi là quốc gia đầu tiên trong ASEAN có FTA song phương với Anh để thúc đẩy xuất khẩu. Trong một khảo sát mới đây của VCCI, 18% doanh nghiệp cho biết đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ và ở trong quan hệ giữa Việt Nam với thị trường Anh.

Về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đánh giá, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn, khi hàng Việt Nam xuất khẩu vào Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh. Ngoài ra, cùng với sự hiện diện của nhà đầu tư Anh nhiều hơn tại Việt Nam thì thị trường Anh cũng sẽ nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, về sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và đấy là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội trong thời gian tới.

Nắm bắt nhu cầu thị trường và quy định mới của năm 2023

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Anh bên cạnh cơ hội thì cũng xuất hiện nhiều thách thức đan xen đặt ra đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn cạnh tranh trên thị trường Anh, phải nắm bắt được xu thế của thị trường, thói quen, văn hóa tiêu dùng, lối sống…; nắm rõ xu thế tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường, nhân văn của thị trường Anh; nắm rõ các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật sản phẩm.

Hiện nay, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Trong đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill. Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.

Xuất khẩu sang thị trường Anh năm 2023: Cơ hội và thách thức đan xen
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết, kể từ ngày 1/1/2023, hầu hết sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh buộc phải dán nhãn UKCA thay vì nhãn CE như trước đây. UKCA là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Anh. Nhãn hiệu này rất quan trọng đối với những doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm chế tạo sang thị trường nước này. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong năm 2023 cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, trong đó, cần chú trọng hỗ trợ về mặt pháp lý trong giao dịch thương mại quốc tế cho doanh nghiệp.

Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Mỹ, Bộ Công thương cũng cho hay, nhãn UKCA là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh kể từ ngày 1/1/2023. Do đó, Bộ Công thương đang đẩy mạnh việc hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về UKCA đối với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu sang Anh.

Năm 2023, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương sẽ tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia nhiều hội chợ, xúc tiến thương mại trực tiếp, tiếp cận người tiêu dùng và nhà nhập khẩu để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với những thay đổi của thị trường Anh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu kỹ để có thể tuân thủ đầy đủ các cam kết, theo đúng cách của thị trường.