PV: Xin ông chia sẻ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Lạng Sơn cho đến thời điểm này?

Lạng Sơn: Tiến độ giải ngân đã có sự bứt phá mạnh
Ông Lương Trọng Quỳnh

Ông Lương Trọng Quỳnh: Năm 2022 tỉnh Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 3.340 tỷ đồng. Ngay khi nhận kế hoạch vốn, cấp ủy chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện và thanh toán vốn. Tính đến ngày 15/11 vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã giải ngân được trên 2.099 tỷ đồng, đạt gần 63% kế hoạch vốn được giao, cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn đã giải ngân vốn CTMTQG đạt 34% – là một trong những địa phương giải ngân sớm nguồn vốn này và đạt tỷ lệ cao trong cả nước.

PV: Được biết hết tháng 7/2022, tỉnh Lạng Sơn vẫn nằm trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, nhưng đến thời điểm này, Lạng Sơn đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Những giải pháp mà Lạng Sơn đã thực hiện để có được kết quả này là gì, thưa ông?

Ông Lương Trọng Quỳnh: Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo cơ chế điều hành và danh mục các dự án trọng điểm năm 2022. Hàng tháng, ban chỉ đạo họp kiểm điểm đánh giá kết quả và điều hành các nội dung về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, về huy động vốn, thủ tục đầu tư, về tổ chức triển khai thực hiện, thi công công trình, thực hiện chế độ họp, chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên rà soát tiến độ các dự án, xác định khả năng thanh toán vốn của dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện phân loại dự án (hoàn thành, chuyển tiếp, khởi công mới), từ đó đưa ra các mốc thời gian đối với từng loại dự án để chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện cam kết giải ngân theo đúng tiến độ kế hoạch vốn giao.

Nắm bắt được “nút thắt” làm chậm tiến độ giải ngân chính là ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), nên ngay từ đầu năm, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập ban chỉ đạo GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó đồng chí Bí thư tỉnh ủy trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo. Đối với các ban GPMB của các huyện, thành phố, tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo các đồng chí bí thư cấp huyện phải làm trưởng ban chỉ đạo của công tác GPMB. Do vậy, trong thời gian vừa qua, công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được đẩy nhanh hơn, từ đó tỉnh cũng chỉ đạo các nhà thầu, chủ đầu tư tăng cường phương tiện vật tư, máy móc để tổ chức triển khai thi công tại những nơi đã có mặt bằng sạch, gia tăng khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Lạng Sơn: Tiến độ giải ngân đã có sự bứt phá mạnh
Các tỉnh đang nỗ lực giải ngân trong tháng cuối năm.

PV: Như ông cho biết thì hiện Lạng Sơn đang đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ giải ngân cao vốn CTMTQG. Theo ông, yếu tố nào đã giúp cho tỉnh Lạng Sơn có được kết quả này?

Ông Lương Trọng Quỳnh: Về triển khai thực hiện giải ngân vốn CTMTQG, mặc dù Thủ tướng Chính phủ mới giao vốn, nhưng để triển khai chương trình này, ngay từ năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các huyện, thành phố vẫn triển khai các chương trình, dự án thuộc 3 CTMTQG bao gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình giảm nghèo bền vững. Do vậy, các công trình của năm 2021 của 3 chương trình này đều hoàn thành, nhưng chưa được giải ngân. Khi Thủ tướng Chính phủ giao vốn, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị bố trí vốn giải ngân và trả nợ cho các công trình của năm 2021.

Trong năm 2022, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện chuẩn bị công tác đầu tư đối với các dự án thuộc 3 CTMTQG. Do vậy, khi có nguồn vốn từ trung ương về, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện giải ngân ngay cho các dự án này. Vì thế đến nay, kết quả giải ngân vốn của 3 CTMTG này đạt tương đối tốt.

PV:Mặc dù đã có sự bứt phá nhưng tỷ lệ giải ngân của Lạng Sơn so với cả nước mới đang ở mức khá. Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi hết năm ngân sách, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề ra các giải pháp gì, thưa ông?

Ông Lương Trọng Quỳnh: Ngoài làm tốt các giải pháp của Chính phủ, địa phương đề ra, từ giờ đến cuối năm, tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng tần suất kiểm tra các dự án đầu tư công. Qua quá trình kiểm tra sẽ kịp thời đưa ra những chỉ đạo trực tiếp, cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư của dự án. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét điều hòa các nguồn vốn trong tổng nguồn đã được giao từ các dự án có khối lượng thấp chuyển sang cho các dự án có khối lượng cao.

Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư công, công tác GPMB là 1 trong những nghiệp vụ hết sức quan trọng, liên quan đến việc có hoàn thành được dự án hay không. Do vậy, từ nay đến cuối năm, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo đối với chính quyền cấp huyện và cấp xã thực hiện quyết liệt hơn nữa đối với công tác này.

PV: Xin cảm ơn ông!