Thu ngân sách vượt gần 20% so với dự toán năm

Năm 2022, Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ thế giới và trong nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhờ chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, Bộ Tài chính đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ đề ra. Các chính sách tài chính đã góp phần cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và chỉ đạo triển khai quyết liệt. Cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2021 có hiệu lực thi hành trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Rất nhiều chính sách về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai ngay từ đầu năm, như: giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng.

Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN năm 2022. Tính đến ngày 15/12/2022, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10, 11/2022). Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

Thời gian còn lại của năm, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai quyết liệt công tác thu, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; tăng cường thu nợ đọng thuế, chống thất thu ngân sách, phấn đấu thu đạt mức cao hơn.

Tiếp tục chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế

Với dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cùng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, ngành Tài chính xác định mục tiêu NSNN năm 2023 là: “Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương”.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 (dự kiến tốc độ tăng GDP khoảng 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% so với năm 2022), dự toán NSNN năm 2023 đã được Quốc hội quyết định. Cụ thể: Dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (+16,3%) so với dự toán năm 2022.

Tiếp tục kiên định thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để đạt các mục tiêu nêu trên, ngành Tài chính đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Do đó, trong năm 2023 tiếp tục kiên định thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục các gói hỗ trợ của Chương trình, nhằm đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để đạt các mục tiêu nêu trên, ngành Tài chính đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Do đó, trong năm 2023 tiếp tục kiên định thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục các gói hỗ trợ của Chương trình, nhằm đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ.

Trong điều hành chính sách tài chính – NSNN năm 2023, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất. Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Phấn đấu tăng thu đảm bảo nguồn lực cho phát triển

Dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP.

Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (+16,3%) so với dự toán năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 726,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi NSNN, tăng 38,1% so dự toán năm 2022, đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Dự toán bội chi NSNN năm 2023 là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Trong đó: bội chi cho Chương trình phục hồi khoảng 1,53% GDP, bội chi cho cân đối NSNN là 2,89% GDP (dự toán năm 2022 là 4% GDP) là mức rất tích cực.

Nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2023 được Bộ Tài chính triển khai nhằm đảm bảo đủ kinh phí thực hiện Chương trình phục hồi theo Nghị quyết của Quốc hội; đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ đầu tư công theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo Luật NSNN; chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn.

Đồng thời, bố trí kinh phí tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội gắn với lương cơ sở…

Trên cơ sở đó, ngành Tài chính sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất để đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường công tác quản lý thu; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia…